Hang Đầu Gỗ
Hang Đầu Gỗ – hang động hoang sơ, đẹp nhất vịnh Hạ Long .Vịnh Hạ Long có nhiều đảo, hang động, trong đó có nhiều hang động đã và đang là điểm đến hấp dẫn trong hành trình tham quan của du khách như Trinh Nữ, Hồ Động Tiên, Mê Cung, Hang Sửng Sốt… nhưng có lẽ không có hang động nào có được quy mô và nhiều huyền tích lịch sử như hang Đầu Gỗ. Người Hòn Gai đã lưu truyền câu ca dao: “Hòn Gai có núi Bài Thơ/ Có hang Đầu Gỗ có chùa Long Tiên”. Không phải bỗng nhiên mà hang Đầu Gỗ được người Pháp tôn là “Động của các kỳ quan” và không phải vô tình mà Đầu Gỗ được Bác Hồ – và trước đó vua Khải Định cùng toàn quyền Pháp đến thăm, đề thơ ca ngợi…
Về Nguồn gốc ( Tên gọi ) Hang Đầu Gỗ
Thuyết thứ nhất,
- theo truyền tụng của người dân địa phương và các cụ cao tuổi thì hang Đầu Gỗ cũng có tên là hang Giấu Gỗ (sau gọi chệch thành Đầu Gỗ) vì nó gắn liền với câu chuyện lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 của vua tôi nhà Trần, là nơi quân sĩ nhà Trần cất giấu những chiếc cọc gỗ trước khi đem xuống cắm dưới lòng sông Bạch Đằng (Yên Hưng) để xây dựng trận địa cọc tiêu diệt binh thuyền giặc. Câu chuyện này đã lý giải cho cái tên thuần Việt độc đáo của hang đồng thời nhắc nhở mọi người nhớ lại sự kiện chiến công oanh liệt của quân dân thời Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông cách đây hơn 7 thế kỷ. Người dân vẫn lưu truyền câu ca dao: “Hồng Gai có núi Bài Thơ/ Có hang Đầu Gỗ có chùa Long Tiên”.
Còn thuyết thứ 2 :
- thì giải thích dãy đảo Đầu Gỗ có hình cánh cung tạo ra trước hang một vụng kín gió, nên ngư dân thường tụ về đây trong những ngày giông bão, hoặc sau một thời gian đánh bắt, họ thả neo sinh sống đông đúc và sửa chữa đóng lại thuyền bè tại đây nên có nhiều mấu gỗ sót lại. Có lẽ tên hang Đầu Gỗ hình thành từ sự việc này.
Thuyết thứ 3 giải thích,
- do hang nằm trên dãy đảo mà trông xa có dáng tựa một cây gỗ khổng lồ nên căn cứ vào hình dáng của đảo người ta đặt cho hang là Đầu Gỗ.
Vị trí Của Hang Đầu gỗ ở Vịnh Hạ Long
Vị trí: Hang Đầu Gỗ nằm cách Động Thiên Cung trên đảo Đảo Đầu Gỗ chừng 300m và cách cảng tàu du lịch chừng 4km về phía Nam. Điểm đặc biệt của hang đó là có cửa hang hình con sao biển lớn cách mặt biển hơn 20m khá độc đáo.
Bạn có thể di chuyển đến đảo Đầu Gỗ bằng thuyền theo hai cách đó là mua vé thăm vịnh trong ngày hoặc mua tour du thuyền để đến thăm quan vịnh và trải nghiệm nhiều hoạt động khác. Đảo Đầu Gỗ nằm trong tuyến du lịch số 1 cùng với các địa điểm nổi tiếng khác như động Thiên Cung, Làng Chài Ba Hang, Hòn Trống Đá,… . Vì vậy bạn nên lưu ý khi mua vé chọn lịch trình phù hợp.
Vẽ đẹp của Hang Đầu Gỗ Vịnh Hạ Long
Từ cửa ra Động Thiên Cung, bạn sẽ đi thẳng theo con đường núi bên phía phải là sẽ dẫn đến khu vực hang. Điểm khác biệt cơ bản nhất của hang Đầu Gỗ với những hang khác ở Hạ Long đó là cửa hang cực lớn. Chính nhờ có độ lớn này mà một phần phía trong hang rất sáng.
Cửa hang Đầu Gỗ theo như các tài liệu thì rộng đến 17 mét và cao đến 12 mét. Nơi đây đặc biệt còn là nơi trú ẩn của một loài chim nhạn. Vì thế nếu thăm quan rất có thể bạn sẽ bắt gặp loài chim khá quý hiếm này.
Bên Trong Hang Đầu gỗ có gì đẹp ?
Hang có hệ động thực vật đa dạng phong phú. Do có cửa hang được mở rộng nên độ ẩm trong lòng hang cao, cộng với sự tác động của ánh sáng mặt trời nên có thể thấy ngay được sự phát triển đa dạng của hệ thực vật, đặc biệt là rêu, cây dương xỉ và cây thân gỗ. Trong hang được chia thành 3 ngăn.
Ngăn thứ 1 của hang.
Hệ thống nhũ đá có nhiều hình ảnh quen thuộc với cuộc sống: sư tử, trăn, rùa, và thậm chí cả hình ảnh đôi gà chọi…Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn tràn trề ánh sáng tự nhiên. Trần hang là một bức “tranh sơn dầu” khổng lồ, mô tả phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những rừng măng đá, nhũ đá nhiều màu tạo nên nhiều hình thù kỳ lạ tùy theo trí tưởng tượng phong phú của mỗi người: những đàn voi đang đi kiếm ăn, những chú hươu sao ngơ ngác, chú sư tử lim dim ngủ….
Ngăn thứ 2 trong hang Đầu Gỗ
Ngăn này được bắt đầu bằng một bức tranh hoành tráng – hình ảnh những hòn đảo đá lô nhô trên sóng nước cũng được khắc hoạ rõ nét trên bức tranh này. Kết hợp với ánh sáng chiếu vào đây mờ ảo, những bức tranh mới lạ hiện lên long lanh huyền bí. Những chùm hoa đá lúc ẩn lúc hiện, những hình ảnh vừa quen thuộc vừa xa lạ,… tạo cho con người vừa sợ sệt vừa tò mò…
Ngăn thứ 3 của hang
Tới ngăn thứ ba của hang, lòng hang lại đột ngột mở rộng. Tận cùng hang là một chiếc giếng tiên bốn mùa nước ngọt trong vắt, chảy tràn trề. Không gian khiến bạn liên tưởng đến hình ảnh những toà thành cổ, trên đó đang diễn ra một trận hỗn chiến của những chú voi, ngựa đang xung trận, người và ngựa chen chúc, gươm giáo tua tủa, tất cả như đang xông lên và bỗng dưng bị hoá đá.
Chia Sẽ của “Tống Khắc Hài” về Hang Đầu gỗ
Tôi nhớ khoảng năm 1960, các chuyên gia Viện Khảo cổ đã từng đốt đuốc tìm trong hang xem có mẩu gỗ nào để kiểm chứng là dấu vết cọc gỗ của Trần Hưng Đạo không, nhưng không thấy gì. Có lẽ, do lòng tự hào lịch sử dân tộc, tình yêu đất nước, một số người đã gắn truyền thuyết ấy với tên hang. Về tên gọi Đầu Gỗ, theo tôi, đó là tên của núi Đầu Gỗ. Nếu bạn đi từ Cát Hải (Hải Phòng) sang, bạn sẽ thấy núi giống như súc gỗ có hai lỗ nên dân chài gọi núi Đầu Gỗ. Hang trên núi thì gọi là hang Đầu Gỗ. Với tấm bia đá của vua Khải Định lập năm 1918 ca ngợi cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long và hang Đầu Gỗ, một thời chúng ta vì tư tưởng bài trừ phong kiến đã ứng xử bằng cách gạch xoá lên văn bia. Tôi cho rằng đó là một điều đáng tiếc. May mắn, tấm bia đến nay vẫn còn.